Khớp gối kêu lục cục và đau thường xảy ra do chấn thương, ngồi quá lâu, mang thai, vận động nặng,… Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh xương khớp tiềm ẩn như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, gout, viêm khớp phản ứng,…
Khớp gối kêu lục cục và đau do đâu?
Khớp gối là một trong những vị trí khớp có tần suất vận động thường xuyên. Do đó khớp dễ bị hư hại, tổn thương và đau nhức khi có tác động.
Tình trạng khớp gố kêu lục cục và đau thường gặp ở người cao tuổi do ổ khớp giảm tiết dịch, dẫn đến tình trạng khô và phát ra âm thanh khi vận động. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng này có xu hướng gặp ở người trẻ và người trung niên do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng khớp gối đau và kêu lục cục, bao gồm:
1. Nguyên nhân bệnh lý
Khớp gối được cấu tạo từ xương bánh chè, mâm chày, xương lồi cầu đùi, sụn bọc và một số cấu trúc mô mềm xung quanh như dây chằng, gân cơ,.. Hệ thống gân, dây chằng và cơ có tác dụng cố định ổ khớp và giúp khớp linh hoạt trong các hoạt động co duỗi.
Tình trạng khớp gối bị đau nhức và phát ra âm thanh lục cục có thể xảy ra do một trong những bộ phận cấu thành bị hư hại, dẫn đến tình trạng ổ khớp lỏng lẻo và phát sinh triệu chứng nói trên.
Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân khiến khớp gối kêu lục cục
Một số nguyên nhân bệnh lý có thể gây mất ổn định ổ khớp và làm phát triệu chứng triệu chứng khớp gối đau, kêu lục cục:
-
Thoái hóa khớp gối: Thoái hóa khớp gối là bệnh xương khớp phổ biến ở người trung niên và người cao tuổi. Bệnh lý phát sinh khi sụn khớp bị hư hại và bào mòn do quá trình lão hóa. Tình trạng hư hại và xơ hóa mô sụn có thể khiến khớp đau khi vận động, cứng khớp và phát ra các âm thanh bất thường.
-
Gai khớp gối: Gai khớp gối là biến chứng thường gặp của thoái hóa khớp gối. Ở những vị trí sụn bị bào mòn, cơ thể có xu hướng tích tụ canxi nhằm bù lấp chỗ trống của các mô sụn hư hại. Tuy nhiên tình trạng này vô tình tạo ra gai xương. Gai xương nhô lên gây cản trở quá trình vận động, làm phát sinh triệu chứng viêm, đau nhức và khiến khớp kêu lục cục khi vận động.
-
Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp (phong thấp) là bệnh xương khớp tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tự tạo kháng thể tấn công mô sụn. Ở giai đoạn bùng phát mạnh, bệnh có thể gây cứng khớp, sưng viêm, đau nhức, ổ khớp lỏng lẻo và phát ra âm thanh khi co duỗi. Bệnh lý này phát sinh triệu chứng có tính chất đối xứng và thường xảy ra cùng lúc ở 2 bên khớp gối.
-
Loãng xương: Loãng xương là tình trạng giảm mật độ xương khiến xương xốp, giòn, suy yếu và dễ gãy. Bệnh lý này không gây đau nhức dữ dội như các bệnh xương khớp khác nhưng thường gây đau âm ỉ kèm theo tình trạng khớp phát ra âm thanh lục cục khi đi lại và co duỗi.
-
Các bệnh lý khác: Ngoài những bệnh lý kể trên, khớp gối bị đau nhức và kêu lục cục cũng có thể là biểu hiện của bệnh gout, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm bao hoạt dịch khớp gối,…
2. Nguyên nhân sinh lý
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, tình trạng khớp gối kêu lục cục và đau có thể xảy ra do một số nguyên nhân sinh lý như:
-
Do quá trình lão hóa: Quá trình lão hóa khiến chức năng khớp suy giảm, dẫn đến tình trạng khớp hoạt động kém, bài tiết ít dịch nhầy, dễ đau nhức và phát ra tiếng lục cục khi vận động. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn, quá trình lão hóa có thể diễn ra nhanh chóng và gây ra các bệnh xương khớp mãn tính.
-
Mang thai: Khi mang thai, cân nặng thường có xu hướng tăng lên đột ngột. Áp lực từ cân nặng cùng với sự giãn nở của tử cung chính là nguyên nhân khiến khớp háng và khớp gối thường xuyên đau nhức, sưng viêm và dễ phát ra âm thanh khi xoay người đột ngột.
-
Thay đổi hormone đột ngột: Hormone không chỉ ảnh hưởng đến chức năng sinh lý mà còn tác động đến thể trạng và sức khỏe xương khớp. Do đó nồng độ hormone thay đổi đột ngột có thể làm giảm quá trình tổng hợp canxi, khiến xương giảm mật độ và suy yếu dần. Vì vậy, triệu chứng khớp gối kêu lục cục và đau thường xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh và phụ nữ tiền mãn kinh.
-
Ít vận động: Thói quen ít vận động là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp mãn tính. Thói quen này khiến ổ khớp giảm hoạt động tiết chất nhầy, dẫn đến hiện tượng khô khớp, đau nhức và phát ra âm thanh khi vận động.
-
Vận động nặng: Vận động nặng trong thời gian dài có thể làm tăng áp lực lên khớp gối khiến mô sụn bị bào mòn và hư tổn. Nếu không cải thiện, khớp có thể bị thoái hóa và phát sinh các vấn đề mãn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp,…
-
Các nguyên nhân khác: Ngoài ra tình trạng khớp gối đau nhức và kêu lục cục còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như chấn thương, thừa cân – béo phì, ngồi quá lâu, chèn ép dây thần kinh,…
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, tình trạng khớp gối đau nhức và phát ra âm thanh khi co duỗi, vận động cũng có thể khởi phát do những nguyên nhân không được đề cập trong bài viết.
Chẩn đoán khớp gối kêu lục cục và đau bằng cách nào?
Nếu tình trạng trên kéo dài hơn 7 ngày và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sinh hoạt, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Ban đầu bác sĩ sẽ quan sát tình trạng bên ngoài khớp, xem xét tiền sử bệnh lý và yêu cầu bạn thực hiện một số động tác nhằm quan sát khả năng vận động và phản ứng khớp.
Sau đó bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng như:
-
Chụp X-Quang: Xét nghiệm hình ảnh này sử dụng tia X nhằm biểu thị hình ảnh chi tiết của mô xương. Đây là xét nghiệm phổ biến và có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh xương khớp. Qua hình ảnh X-Quang, bác sĩ có thể nhận thấy tình trạng tiêu xương (giảm mật độ xương), mất sụn khớp và sự hình thành gai xương.
-
MRI: MRI (chụp cộng hưởng từ) ít khi được chỉ định trong chẩn đoán các bệnh lý xương khớp. Tuy nhiên nếu nghi ngờ khớp bị đau do vấn đề từ mô mềm (dây chằng, bao hoạt dịch,…), bác sĩ có thể đề nghị chụp MRI để thu thập thêm dữ liệu phục vụ cho việc chẩn đoán.
-
CT: CT (chụp cắt lớp vi tính) cho hình ảnh cắt lớp xương khớp gối nhằm giúp bác sĩ xác định vị trí, cơ quan tổn thương,…
-
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể xác định được bệnh viêm khớp dạng thấp (có nồng độ IgE tăng cao), viêm khớp nhiễm khuẩn (có sự hiện diện của vi khuẩn), bệnh gout (tăng acid uric máu),…
-
Xét nghiệm dịch khớp: Xét nghiệm dịch khớp giúp xác định bệnh gout (có sự hiện diện của muối urat), gãy xương kín (dịch khớp có màu hồng/ đỏ),…
Cách phòng ngừa khớp gối kêu lục cục và đau
Tình trạng khớp gối đau nhức và phát ra âm thanh khi vận động cho thấy các cơ quan cấu thành khớp bị tổn thương và hư hại. Nếu tiếp tục để kéo dài, cơ quan này có thể bị hư hại nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng giảm khả năng vận động, gây đau nhức kéo dài, cứng khớp, teo cơ và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh học.
Vì vậy bạn nên chủ động phòng ngừa tình trạng với những biện pháp đơn giản như:
-
Tập thể dục từ 15 – 30 phút/ ngày. Nên lựa chọn các bộ môn có cường độ phù hợp với độ tuổi và tránh các bộ môn luyện tập dễ gây chấn thương như nâng tạ.
-
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, uống đủ nước và bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp như hải sản, trứng, sữa, thịt, rau xanh và các loại đậu.
-
Hạn chế các thực phẩm và đồ uống ảnh hưởng đến sức khỏe và xương khớp như rượu bia, cà phê, thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều gia vị,…
-
Tuyệt đối không hút thuốc lá. Thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp mà còn thúc đẩy quá trình lão hóa và tăng nguy cơ hoại tử xương vô mạch.
-
Tuyệt đối không lạm dụng thuốc corticoid – ngay cả ở dạng bôi. Lạm dụng nhóm thuốc này có thể gây suy tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, tăng đường huyết và gây loãng xương.
-
Điều chỉnh cân nặng khi cần thiết và tránh tình trạng thừa cân – béo phì.
-
Những người làm công việc văn phòng nên đi lại sau 2 giờ làm việc và cần thay đổi các tư thế xấu.
-
Tránh vận động nặng trong thời gian dài. Nếu phải mang vác vật nặng, bạn nên nhờ sự hỗ trợ của máy móc để giảm áp lực lên hệ thống xương khớp.
-
Có thể tắm nắng từ 5 – 10 phút trong khung giờ 6 – 10 giờ sáng. Vitamin D trong ánh nắng giúp cải thiện sức khỏe xương, giảm nguy cơ mắc các bệnh xương khớp mãn tính và hỗ trợ nâng cao sức đề kháng.
Bài viết đã tổng hợp một số nguyên nhân và cách phòng ngừa tình trạng khớp gối kêu lục cục và đau. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài và ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, bạn nên thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn điều trị.
Nguồn: https://vhea.org.vn/
- 02/03/2015 13:44 - Các nguyên nhân gây bệnh vảy nến da đầu thường gặp
- 02/03/2015 13:41 - Đâu là nguyên nhân gây bệnh vảy nến?
- 02/03/2015 13:38 - Chế độ ăn uống tốt cho người bị viêm da cơ địa
- 02/03/2015 13:37 - Các triệu chứng của bệnh viêm da tiếp xúc thường g…
- 26/08/2014 14:51 - THUỐC KHÁNG SINH - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
- 26/05/2014 14:46 - Tỏi đen là gì?
- 30/03/2014 16:07 - Các dạng nổi mề đay thường gặp và cách nhận biết
- 30/03/2014 16:06 - Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn [Những điều cần bi…
- 30/03/2014 16:05 - Những yếu tố khiến bệnh tổ đỉa nặng thêm khó chữa …